Trịnh Hội
Lạ hơn nữa là tòa chỉ vừa kết án vào ngày 15 tháng 9, tức là Thứ Tư tuần trước. Sang ngày hôm sau Bộ Tư Pháp Mỹ mới cho ra bản thông cáo báo chí và sau đó là… cuối tuần ở Việt Nam. Thế vậy mà chỉ cần 3 ngày (kể cả ngày Chủ Nhật), Bộ Công An và các tập đoàn công ty liên quan đã làm việc xong, thanh tra xác minh hoàn tất tất cả các sự việc để rồi từ đó có thể xác nhận là chẳng có ai liên quan đến 3 anh em nhà họ Nguyễn và công ty Nexus…
*
Tuần trước, đọc tin tức tôi mới biết là trong tuần vừa qua tòa án ở thành phố Philadelphia thuộc tiểu bang Pennsylvania vừa xử tội 3 anh em nhà họ Nguyễn với tội danh hối lộ quan chức nhà nước Việt Nam để hưởng lợi. Tôi đọc nhưng không nghĩ ngợi nhiều vì câu chuyện coi như đã xong. Phạm luật thì phải vào tù!
Nhưng hôm qua, sáng Thứ Ba, tình cờ tôi lại đọc được một bài báo đăng trên mạng của báo Tuổi Trẻ, cũng đề cập đến vụ án trên.
Bài báo phỏng vấn những nhân vật chủ chốt đang điều hành những đại công ty quốc doanh của Việt Nam, bị nêu tên trong số các công ty nhận hối lộ từ ba anh em nhà họ Nguyễn, là Tập Ðoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PetroVietnam – PVN), Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải, v.v… Phóng viên Tuổi Trẻ có hỏi lãnh đạo các công ty này, là họ có biết các công ty trong tập đoàn của họ bị nêu đích danh trong phiên xử 3 anh em Việt kiều Mỹ hối lộ quan chức Việt Nam.
Ðó là: không những họ phủ nhận, mà sau khi điều tra cùng với Bộ Công An, họ có thể khẳng định “những sai phạm của 3 Việt kiều Mỹ không liên quan đến cách doanh nghiệp thuộc PVN,” hay đối với Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam thì “từ trước tới nay không ký bất cứ hợp đồng mua bán trao đổi thiết bị gì với Nexus Technologies.”Các bạn biết họ trả lời ra sao không?
Trong khi đó, bản án của phía Hoa Kỳ đối với ba anh em họ Nguyễn thì ghi rành rành từng tên một, những công ty của phía Việt Nam ăn hối lộ.
Vậy là sao? Chẳng lẽ chính phủ Mỹ dựng chuyện vu khống người vô cớ và tòa án cũng cứ y như thế, tống dân Mỹ vô tù mà không cần xét xem chính phủ có bằng chứng hay không?
Lạ hơn nữa là tòa chỉ vừa kết án vào ngày 15 tháng 9, tức là Thứ Tư tuần trước. Sang ngày hôm sau Bộ Tư Pháp Mỹ mới cho ra bản thông cáo báo chí và sau đó là… cuối tuần ở Việt Nam. Thế vậy mà chỉ cần 3 ngày (kể cả ngày Chủ Nhật), Bộ Công An và các tập đoàn công ty liên quan đã làm việc xong, thanh tra xác minh hoàn tất tất cả các sự việc để rồi từ đó có thể xác nhận là chẳng có ai liên quan đến 3 anh em nhà họ Nguyễn và công ty Nexus.
Chính phủ Mỹ thì cần nhiều năm mới hoàn tất quá trình điều tra và sau hơn hai năm xét xử tòa án mới tuyên án. Còn chính phủ Việt Nam thì chỉ cần 3 ngày là có thể khẳng định mọi vấn đề.
Thành thật mà nói đọc xong tôi thấy bực thì ít mà tức thì nhiều. Chẳng lẽ tất cả chúng ta phải sống với những lời nói gian dối đầy trơ trẽn ấy à? Có thể ở Việt Nam có những điều báo chí không thể nào cho đăng được. Nhưng ở hải ngoại nếu muốn chúng ta luôn có thể tìm hiểu và đặt dấu hỏi đối với mọi vấn đề.
Thế là lần đầu tiên trong đời tôi bắt đầu công việc của một nhà báo điều tra cho… chính tôi. Trước hết tôi liên lạc thẳng với Bộ Tư Pháp là cơ quan đại diện chính phủ Mỹ thưa kiện ba anh em nhà họ Nguyễn và công ty Nexus Technologies của họ. Sau đó tôi liên lạc với các luật sư đại diện cho chính phủ cũng như của các bị cáo. Và chỉ trong vòng hai ngày, tôi đã tìm được thêm những tin tức sau.
Thứ nhất, theo kết quả điều tra của chính phủ Mỹ, tổng cộng số tiền “huê hồng” dùng để hối lộ các quan chức Việt Nam lên đến trên $250,000.
Thứ hai, chính phủ Mỹ có đầy đủ chứng cớ cho thấy trong 10 năm vừa qua số tiền này đã được chuyển đi đâu, bao nhiêu mỗi lần, cho những ai, và họ có cả tên, số tài khoản ngân hàng, lẫn email và nội dung email qua lại giữa hai bên hối lộ và nhận hối lộ.
Thứ ba, một trong những công ty được nêu đích danh trực thuộc… Bộ Công An Việt Nam.
Và thứ tư, quan trọng hơn cả: sau hơn một năm bị chính thức buộc tội với tất cả các bằng chứng mà chính phủ Mỹ đưa ra, cả 3 anh em nhà họ Nguyễn là Nam Nguyễn, An Nguyễn và Kim Nguyễn quyết định nhận tội để được hưởng mức xử phạt nhẹ hơn nhiều so với mức tối đa mà tòa án có thể áp dụng. Ðó là 30 cho đến 35 năm tù giam cho mỗi người và $27 triệu đối với công ty Nexus.
Không biết bạn đọc Việt Nam có muốn tôi tiếp tục làm phóng viên điều tra không nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét