30/7/11

Quốc hội hay quốc hoạ

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của dân.Quốc hội là đại biểu nhân dân, đại diện lợi ích nhân dân, hội tụ trí tuệ nhân dân. Nhưng xem ra đó chỉ là lời đùa ác ý của người từ nước ngoài hay từ hành tinh khác đến xứ sở Việt Nam . Trong bài “Chỉ ấn nút khi đủ thông tin” (boxitvn) có đoạn:

“Hãy chú ý lời phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận. Ông tiết lộ dự án đường sắt cao tốc đã được không những Bộ Chính trị mà cả Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý về chủ trương. Ông thừa nhận Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng là cấp trên của Quốc hội. Ông nói rõ Quốc hội sẽ chấp hành ý kiến của cấp trên.
Nói cho công bằng, với tư cách cá nhân, ông khẳng định ông không tán thành [thông qua dự án đường sắt cao tốc], thậm chí có ý phàn nàn [Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng] đẩy Quốc hội vào thế phải chịu trách nhiệm trước dư luận.
Phát biểu của ông Nguyễn Văn Thuận nói toạc một sự thật mà ai cũng biết: chúng ta đang ở trong một thể chế mà cơ quan quyền lực cao nhất không phải là Quốc hội như Hiến pháp đã long trọng xác nhận, mà chính là Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng. Xưa nay chưa bao giờ có chuyện Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định, mà Quốc hội lại không tán thành………Nhưng như thế thì nên đổi tên Quốc hội. Gọi là Quốc hội, rõ ràng danh không chính, ngôn không thuận. Hãy đổi tên là Ủy ban Tư vấn hay là một cái gì tương tự như thế, thì may ra dân đen chúng ta, những người có trí tuệ bình thường, mới có thể hiểu được.” Anh Hoàng. Còn tôi – một trong những người thích đùa thì gọi quốc hội là “quốc hoạ” hay là một từ gì khác đi với từ “hoạ” cho phải vần.
Ý kiến của ông Thuận và thực tế ở Việt Nam đã phủ định vai trò của quốc hội theo hiến pháp nước ta. Như thế, quốc hội không còn là đại biểu đại diện cho quyền lực nhân dân, mà chỉ là một cơ quan “phụ hoạ” cho bộ chính trị, cho Trung ương đảng và cho các cá nhân có quyền lực. Và khi đó đại biểu quốc hội sẽ được gọi là đại biểu quốc hoạ. Nói một cách cầu thị, nếu quốc hội muốn giành lại quyền lực tối cao về mình thì chỉ có cách là trung thành với lợi ích của nhân dân, có trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội ta lâu nay đã giám sát chính phủ và đạt được những thành tựu to lớn trong các dự án, trong đó có những dự án đầu tư để đời: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận, dự án khai thác bôxit Tây Nguyên, dự án tàu siêu tốc Bắc Nam sắp tới.. Đó là thành tựu của quốc hội, cũng là niềm tự hào lớn lao của dân ta. Không tự hào làm sao được, khi mấy chục năm ta phải xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng mà bây giờ đã có nhà máy lọc dầu, mặc dù nước bạn Nga đã khai thác gần hết dầu khí của ta ở Vũng Tàu rồi mới chuyển công nghệ lọc dầu cho ta. Dù cho nhà máy lọc dầu Dung Quất đắp chiếu nhiều tháng, ta cũng lấy làm tự hào rằng, nước ta đã tự lọc được dầu và có lẽ vẫn không nên bỏ nhập khẩu xăng xuất khẩu dầu. Không tự hào làm sao được, khi nước ta là một nước nghèo nàn lạc hậu mà đã tiến kịp thế giới với công nghệ khai khoáng cao của Tàu, đã có thể khai thác bôxít ở Tây Nguyên, dù cho dự án đó có lỗ, có bị đắp chiếu, thì ta ít nhất cũng có thể khoe với thế giới rằng, nước tôi rất đồng thuận, trên dưới một lòng. Không tự hào làm sao được, khi nước ta là một nước có nền công nghiệp yếu kém, mà đùng một cái có thể sản suất năng lượng bằng nhà máy điện nguyên tử. Dù có phải bỏ một nửa ngân khố nhà nước, ta cũng được tiếng là không kém Mỹ, kém Nga hay Iran . Dù mức độ an toàn và lỗ lãi chưa tính đến, ít nhất đó là chỗ liều chết với kẻ thù nếu ngoại bang xâm lược và đưa quân vào Việt Nam . Và nữa, mới đây thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với phía Nhật, mà theo các chuyên gia thì bài toán kinh tế còn bỏ ngỏ, chưa có đáp số cuối cùng. Còn theo ông Hồ Nghĩa Dũng, bộ trưởng GTVT nhận định hào hứng: “Tất nhiên đây là một dự án cực kỳ lớn, chiếm tới 50% GDP của đất nước, trải dài cho đến năm 2025, mỗi năm huy động hơn 4 tỷ USD. 10 năm đầu khoảng hơn 2 tỷ USD/năm”. Dự án sẽ diễn ra thế nào, đạt thành tích đến đâu có lẽ còn chờ đợi sự đồng ý của các bác “phụ hoạ” để lấy chính danh: “đồng thuận cao”.
Nói cho cùng, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm các đại biểu quốc hội phải phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình trước quốc dân, phải có tiếng nói thực sự vì dân trong các dự án “đại tiến vọt” để thoả lòng mong mỏi của hàng trăm nghìn con mắt nhân dân tin cậy. Nếu không làm nổi chức năng của mình, quốc hội dù muốn hay không muốn đổi tên mình, thì dân gian sẽ lưu truyền một tên gọi cơ quan ấy là cơ quan quốc hoạ, mỗi thành viên trong cơ quan là đại biểu quốc họa. Sự mỉa mai ấy, theo tôi cũng không phải là quá lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét